Ngày nay, các siêu thị, cửa hàng thực phẩm sạch không còn xa lạ gì đối với người dân Việt Nam nữa. Khi mà vấn đề vệ sinh thực phẩm đang ở mức báo động và vấn nạn thực phẩm bẩn đang ngày một nghiêm trọng, người dân dần nâng cao cảnh giác của mình hơn bằng việc tìm đến những cửa hàng cung cấp thực phẩm sạch. Tuy nhiên, việc kinh doanh các cửa hàng này đang bị lợi dụng bởi cơ chế quản lí còn khá lỏng lẻo.
1. Thực phẩm sạch đồng nghĩa với giá mắc
Khác với rau bán trong các chợ, thực phẩm nào được gán mác “sạch” nhất định sẽ có giá cao hơn 30-40%, thậm chí gấp đôi, gấp ba cũng là chuyện “bình thường ở huyện”. Cụ thể, rau mồng tơi sạch có giá 18,000-20,000 đồng/ bó, rau muống 19,500-21,000 đồng/bó, trứng sạch đắt hơn từ 7,000-10,000đ/ chục. Các mặt hàng thịt gia súc khá đắt đỏ, hơn 15,000-30,000 đồng/kg.
Sở dĩ vì sao các loại thực phẩm sạch lại có giá “trên trời” như vậy, một người kinh doanh rau sạch lý giải, kinh doanh thực phẩm sạch phải tuân thủ nghiêm ngặt các tiêu chuẩn về bảo đảm an toàn trong quá trình sản xuất, giấy chứng nhận kinh doanh, đầu tư cho bao bì, chất lượng, đăng kí địa điểm kinh doanh cửa hàng thực phẩm sạch, mở lớp tập huyến cho người nuôi trồng,... Do vậy, việc các loại thực phẩm sạch được bán ra có giá mắc hơn rất nhiều so với thực phẩm thông thường cũng là điều dễ hiểu.
Thực phẩm sạch đồng nghĩa với giá mắc
2. Thực phẩm sạch, thực phẩm bẩn vẫn lẫn lộn!
Hiện nay, nhu cầu sử dụng rau xanh của người dân Việt Nam đang tăng lên rất cao, do nhận thức được tầm quan trọng của rau đối với sức khỏe con người. Cung ít, cầu nhiều nên việc trà trộn thực phẩm chưa qua kiểm duyệt, gắn nhãn “thực phẩm sạch” cho thực phẩm bẩn là một thực tế đáng buồn vẫn diễn ra hàng ngày, hàng giờ. Thị trường thực phẩm sạch hiện nay vẫn còn quá nhiều bất cập, nguyên nhân chính do những nhà kinh doanh thiếu lương tâm muốn nhanh chóng có lời, bất chấp sức khỏe bị tổn hại của người tiêu dùng.
Theo nhận định của các chuyên gia trong vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, người tiêu dùng cần phải cẩn trọng trong việc lựa chọn hàng hóa. Nói một cách dễ hiểu, thực phẩm sạch phải được dán tem an toàn, ghi rõ ràng mã số cơ sở sản xuất, công khai giá cả. Người dân hoàn toàn có thể nghi ngờ vào tính trung thực của sản phẩm nếu bao bì mập mờ nguồn gốc xuất xứ, không có tem nhãn. Ngoài ra, nên ưu tiên lựa chọn các nhà cung cấp, siêu thị, cửa hàng thực phẩm sạch uy tín trong nhiều năm.
Nên lựa chọn các nhà cung cấp, siêu thị, cửa hàng thực phẩm sạch uy tín trong nhiều năm
Tuy nhiên, để giảm thiểu nỗi lo lắng của người dân trước thủ đoạn ngày càng tinh vi của những nhà kinh doanh thiếu lương tâm, các ban, ngành cần phải quyết liệt hơn nữa trong việc giải quyết vấn nạn thực phẩm bẩn tràn lan như hiện nay.
0 nhận xét Blogger 0 Facebook
Đăng nhận xét